Facebook đã xóa bài đăng của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro do chứa thông tin sai lệch về virus corona.
Cụ thể, đoạn video do ông Bolsonaro đăng lên Facebook có nội dung tuyên bố Hydroxychloroquine, hợp chất có trong một số loại thuốc điều trị sốt rét, hoàn toàn hiệu quả trong việc điều trị virus corona.
Theo BBC, video quay cảnh ông Bolsonaro nói chuyện với người dân trên đường phố Taguatinga. Video tương tự của ông trên Instagram cũng đã bị gỡ do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, với tuyên bố Hydroxychloroquine có thể chữa Covid-19 là nguyên nhân chính.
Quảng cáo
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Tổng thống Brazil thường có những phát ngôn chủ quan về virus. Ngày 29/3, ông tuyên bố muốn tiếp tục hoạt động kinh tế và phản đối biện pháp ngăn dịch lây lan của các thống đốc, cho rằng có người chết vì virus là điều đương nhiên.
Ông Bolsonaro cũng có những động thái không đồng tình với Bộ trưởng Y tế Brazil, Luiz Henrique Mandetta. Cụ thể, trong khi ông Mandetta nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ khoảng cách cộng đồng, ông Bolsonaro lại cho rằng “tự cô lập” chỉ cần thiết với những người trên 60 tuổi.
Trước đó, Twitter cũng xóa bài đăng chia sẻ phương thuốc trị virus tự chế bởi Tổng thống Venezuela, Nicolás Maduro.
Đây là một trong những lần hiếm hoi Facebook và Twitter can thiệp vào bài đăng từ các nguyên thủ quốc gia. Trước tình hình lây lan của virus SARS-CoV-2, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng giúp cập nhật thông tin hữu ích, xác thực đến mọi người.
Twitter đã cập nhật chính sách cam kết loại bỏ thông tin sai lệch, đi ngược hướng dẫn của các tổ chức y tế. Facebook cũng hứa gỡ thông tin không chính xác về dịch Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa có loại thuốc nào được chứng minh chữa khỏi virus SARS-CoV-2, trong đó gồm thuốc chứa Hydroxychloroquine và các hợp chất liên quan.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng ủng hộ ý tưởng đưa Hydroxychloroquine vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trên Twitter, Rudy Giuliani, luật sư của ông Trump cũng ủng hộ phương pháp này, tuy nhiên bài đăng đã bị xóa sau đó.
Tại Anh, Văn phòng Nội các đã thành lập đơn vị phản ứng nhanh để loại bỏ tin giả, chưa được kiểm chứng về đại dịch trên mạng xã hội.
Phúc Thịnh / Tri Thức Trực Tuyến
Nguồn: https://zingnews.vn/tong-thong-brazil-len-mang-dang-tin-gia-ve-covid-19-post1067129.html