TTO – LTS: Trẻ 6 tuổi đã có thể tự tải về và ôm điện thoại “cày game” cả ngày lẫn đêm. Nhiều trẻ em sa đà nghiện ngập các trò chơi nguy hại trong điện thoại cầm tay hằng ngày. Người lớn có vô can trong chuyện này?

Bên trong một tiệm game online ở quận 9, TP.HCM. Chủ tiệm cho biết từ 12-15h là thời điểm đông khách nhất - Ảnh: THANH CHIÊU
Bên trong một tiệm game online ở quận 9, TP.HCM. Chủ tiệm cho biết từ 12-15h là thời điểm đông khách nhất – Ảnh: THANH CHIÊU

Làm sao để giữ trẻ an toàn trước “cơn bão” các loại game? Đồng hành cùng con để an toàn trên mạng, chuyện này người lớn cũng phải học.

Trẻ 7 tuổi đã biết tự trả tiền mua game

Theo tôi, việc trẻ em dễ dàng tiếp xúc với game bạo lực và game nhạy cảm trên môi trường Internet hiện nay có một phần lỗi đến từ chính các phụ huynh. Các phụ huynh cho con mình tiếp xúc với sản phẩm công nghệ sớm như máy tính, máy tính bảng, smartphone… nhưng không thể kiểm soát được con mình xem, nghe, đọc gì trên đó.

Rất nhiều phụ huynh cho biết con mình mới chỉ 7-10 tuổi đã tự vào các kho ứng dụng để tải trò chơi, lên YouTube tìm hướng dẫn chơi game, thậm chí còn biết chuyển tiền từ tài khoản Apple Store hay Google Play được cài sẵn trong máy để mua đồ trong game, có trường hợp phụ huynh kiểm tra tài khoản mất cả chục triệu đồng.

Chính vì thế, để tránh việc trẻ tiếp xúc sớm với các game bạo lực, phụ huynh cần cài đặt giới hạn thời gian trên các thiết bị, hay cài các phần mềm bảo mật để giám sát trẻ mỗi ngày. Bên cạnh đó, nên cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng, vui chơi theo lứa tuổi để các em tránh phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ.

Cơ quan quản lý cần có biện pháp để kiểm soát chặt game lậu vào thị trường Việt Nam thông qua các kho ứng dụng như Google, Apple hay quảng bá qua mạng xã hội Facebook, YouTube…

Thực tế, Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) cũng đã rất nhiều lần yêu cầu Apple, Google hay Facebook gỡ các game lậu và các nội dung nhạy cảm trên các nền tảng này, nhưng có vẻ vẫn như muối bỏ bể.

Đối với nhà phát hành trong nước, cơ quan quản lý cũng cần có các biện pháp mạnh hơn để họ tuân thủ các quy định về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, như thế mới đem lại hiệu quả cao.

LÊ MỸ

Người lớn đang buông lơi?

Anh bạn tôi là giáo viên thường tâm sự: Thằng con nhà tôi mới 6 tuổi đã bị nghiện game nặng, mỗi khi bị “cấm vận” chơi game là nó gào thét, khóc lóc, thậm chí bỏ ăn, dỗ mãi không nín, đòn roi nó cũng chẳng sợ. Vậy là chiều nó cho yên nhà cửa. Bây giờ cứ mở miệng ra là nó dùng những lời thoại dành cho bọn xã hội đen. Rồi mắt con bệnh rất nặng. Giờ hối hận giá như hồi trước mình ngăn chặn từ đầu.

Gia đình gần nhà tôi, anh chồng chạy xe ôm từ sáng đến tối mới về, chị vợ may gia công và trông nom đứa con 5 tuổi. Để đứa trẻ không quậy phá, chị cho con chơi game cả ngày, kể cả khi ăn cơm, đi vệ sinh cũng ôm khư khư cái điện thoại để chơi game. Buổi tối chị còn chơi game cùng con. Đem những câu chuyện trên đến cơ quan kể lại, tôi càng bất ngờ và nghiệm ra rằng đồng nghiệp của mình cũng có lý khi nói rằng: trẻ nghiện game có lỗi một phần từ người lớn.

Trên truyền hình của ta có bao nhiêu phim dành cho trẻ em bổ ích về giáo dục nhân cách sống, cách ứng xử với người lớn, trong khi chỉ cần một động tác lướt nhẹ trên điện thoại cảm ứng là bao nhiêu phim cũng có, từ bạo lực, hoang tưởng đến khiêu dâm.

Việc quản lý, kiểm tra, tư vấn trẻ em sử dụng điện thoại, máy tính đúng cách để chúng không sa đà nghiện game và nhiều thứ nguy hại khác trên mạng là vấn đề rất nan giải. Ngay cả những người có hiểu biết, có học vấn cũng đang bối rối nhưng chưa quyết tâm thay đổi mình trước thực trạng này. Người lớn có hoàn toàn vô can trong vụ việc nguy hại từ game bạo lực? Nghiện game là mối lo chung của toàn xã hội và sẽ tiếp tục gia tăng, nếu như người lớn buông lơi trách nhiệm của mình.

TRƯƠNG THANH LIÊM

Số lượng game thủ tăng 50% trong COVID-19

Đó là dữ liệu của một báo cáo vừa được trích dẫn trên tờ Korea Times (Hàn Quốc) ngày 11-6.

Cụ thể, số lượng game thủ trên máy tính cá nhân và máy chơi game toàn cầu “nhảy vọt” gần 50% so với thời điểm trước đại dịch, theo báo cáo của một công ty phát triển phần mềm game có trụ sở chính tại thành phố San Francisco (Hoa Kỳ). Một trong những lý do chính là vì COVID-19 buộc nhiều người phải dành thời gian ở nhà nhiều hơn.

Trẻ em chơi game qua app trên điện thoại di động - Ảnh: TỰ TRUNG
Trẻ em chơi game qua app trên điện thoại di động – Ảnh: TỰ TRUNG

“Thật quá sốc, nhưng tiếc rằng đó là sự thật. Cá nhân tôi cũng nhận ra điều này vì bạn bè và cả những đứa con của tôi cũng suốt ngày chúi mũi vào game. Với một số người, việc chơi game khiến họ dành nhiều thời gian hơn là trò chuyện với người khác, thậm chí đó là người thân ở cùng nhà” – David, nhà báo đang công tác tại thành phố Frankfurt (Đức), chia sẻ với người viết.

Số lượng lượt tải các ứng dụng game trên điện thoại di động (ĐTDĐ) đã tăng 13% so với trước COVID-19, nhưng con số chỉ thực sự “nhảy vọt” khi các quốc gia lần lượt thực thi các lệnh phong tỏa, cách ly vào đầu tháng 3-2020. “Giữa đại dịch, số game thủ tăng nhanh và thời gian họ dành cho game cũng nhiều hơn hẳn, điều mà trước đây thường chỉ thấy trong các kỳ nghỉ lễ dài” – Julie Shumaker, phó chủ tịch công ty phát triển phần mềm game trên, cho biết.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các ứng dụng game trên ĐTDĐ đang được tải nhiều nhất trong lịch sử. Tỉ lệ lượt tải trong dịp COVID-19 tăng 84% so với cùng kỳ năm trước. Điều này do các tiệm game hoặc các địa điểm giải trí công cộng đều đóng cửa mùa dịch, nhưng có lý do chơi game trên ĐTDĐ tiện lợi hơn nhiều so với các thiết bị khác, theo một bài viết trên trang TRTWorld (Thổ Nhĩ Kỳ).

Cũng theo TRTWorld, ngành game trên ĐTDĐ sẽ đem lại khoản doanh thu 77,2 tỉ USD trong năm 2020, tăng khoảng 13,3% so với năm 2019. Và trong 2,7 tỉ người chơi game (số liệu ước tính trong năm 2020), có đến 2,6 tỉ người sẽ chơi trên thiết bị ĐTDĐ. 38% trong số này sẵn sàng trả tiền để được chơi game.

CÔNG NHẬT (theo Korea Times, TRTWorld)

Ông Ngô Trần Vũ (giám đốc Công ty Nam Trường Sơn):

Hai sự chọn lựa cho phụ huynh

Có hai cách mà phụ huynh phải chọn lựa để quản lý trẻ con. Thứ nhất là thả lỏng cho trẻ, cái nào không tốt thì ngăn cấm dần dần. Thứ hai là siết chặt từ đầu và chỉ cho phép chơi game, điện thoại theo đúng độ tuổi. Rất nhiều phụ huynh lưỡng lự giữa hai cách này, tạo ra sự cấm đoán làm trẻ con bị ấm ức và phản kháng.

Theo tôi, phụ huynh nên chọn cách siết chặt từ đầu và buông lỏng từ từ sẽ dễ quản lý trẻ nhỏ, trẻ ít bị tâm lý ấm ức, phản kháng. Tất nhiên, để làm tốt thì quan trọng hơn hết là phụ huynh phải có đủ thời gian chơi với trẻ con, dạy dỗ, uốn nắn từ lúc còn nhỏ.

Mỗi ngày tôi luôn dành thời gian chơi với con những trò chơi cháu thích nhất cũng như tâm sự những việc xảy ra trong ngày. Những gì trẻ không được phép làm thì luôn luôn giải thích rõ ràng và giới hạn rõ ràng, chính xác để trẻ chấp hành đúng quy định trong gia đình một cách vui vẻ.

Các thành viên phụ huynh trong gia đình cũng phải đồng thuận cùng một nguyên tắc để thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hạnh (giám đốc Quỹ Dariu – Thụy Sĩ):

An toàn trực tuyến: phụ huynh cũng phải học

Việc học qua mạng đang là xu hướng phổ biến hiện nay. Thực tế cho thấy rất nhiều cha mẹ đã “phó mặc” việc học trực tuyến.

Do khó khăn về mưu sinh trong cuộc sống, nhưng một nguyên do lớn khác đó là chính phụ huynh cũng không có điều kiện tiếp cận Internet và các thiết bị, không đủ am hiểu về môi trường mạng để có thể giúp con.

Để đồng hành cùng con trên mạng, việc đầu tiên là phụ huynh nên tìm hiểu Internet, các công cụ liên quan và về an toàn trực tuyến để biết ứng phó những mối nguy hại và hướng đến kênh thông tin an toàn cho trẻ.

ĐỨC THIỆN ghi

Hotline Công ty TNHH DAK SYSTEM